ĐEK BIẾT NHƯNG CỨ CHIẾN

Năm 2014, mình đọc cuốn Dốc hết trái tim (Pour In Your Heart) của Howard Schultz – Giám đốc điều hành Starbucks, một cuốn sách cuốn hút, duyên dáng, hấp dẫn và nhiều chỗ cảm giác “nghẹt thở”, nhiều chỗ khác lại cảm thấy hạnh phúc, tự hào, như lây chung niềm vui, sự phấn khích, sự hãnh diện, sự bối rối và cả thất vọng với tác giả, với cả đội ngũ Starbucks vậy. Lúc đó mình nghĩ, đến bao giờ các thương hiệu Việt mới có thể kể chuyện thú vị được thế này?

Sau này mình đọc rất nhiều cuốn sách Brand Storytelling nhưng không có cuốn nào ấn tượng bằng cuốn đó. Vài năm sau, vị CEO này cũng ra mắt cuốn Tiến bước (Onward), cũng thú vị và nghẹt thở không kém. Mình nhớ mãi chi tiết Starbucks quyết định đóng cửa hàng ngàn cửa hàng Starbucks trên toàn quốc trong một ngày, để đào tạo hàng chục ngàn nhân viên của Starbucks cách pha một ly espresso đúng nghĩa, bảo vệ niềm tự hào của Starbucks. Và khi bước vào một của hàng cafe, phát hiện mùi bánh phô mai nướng phát ra thơm ngào ngạt, lấn át mùi cafe – nơi thánh đường cafe – vị giám đốc này đã kiên quyết bảo vệ quyết định gây phản đối kịch liệt của mình: Loại bỏ món bánh mì phô mai nướng, món bánh đang bán chạy nhất với 1,3% doanh thu (số liệu có thể thiếu chính xác nhé vì mình đọc đã gần 7-10 năm rồi), để giữ được dấu ấn cốt tử của Starbuks: Bước chân vào cửa là nghe mùi cafe thơm lừng bao khắp cửa hàng.

Từ sau Dốc hết trái tim và Tiến bước, mình cứ mong mãi một thương hiệu Việt có thể kể chuyện hay như vậy.

Một lần nữa vào năm 2018, khi đọc Winners Dream – tựa tiếng Việt là Để khát vọng dẫn lối, một cuốn tự truyện của bác Bill McDermott, Global CEO của SAP – Top 10 tập đoàn công nghệ ảnh hưởng nhất thế giới; Đứng đầu thế giới về ERP – Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, và vinh dự được nhóm dịch giả, cũng đồng thời là các nhà lãnh đạo của SAP Việt Nam, giao cho xuất bản cuốn sách này, thì câu hỏi trên lại một lần nữa trở lại: Bao giờ thì Việt Nam có câu chuyện hay như thế? Thế rồi tháng 8 năm ngoái, khi đọc vài chương đầu tiên của cuốn Đek biết gì cũng tiến, được anh Nguyễn Thành Nam – Thành viên Hội đồng sáng lập FPT – Founder FUNiX post trên trang cá nhân anh, mình nghĩ: À đây rồi.

Các anh ấy nói Đek biết gì – thực ra là một cách nói của việc Đâm đầu vào làm thôi, chứ các anh ấy toàn tiến sĩ Toán học Nga về, một “lò” tinh anh của cả thế hệ được tôi luyện trên nền khoa học của một cường quốc hàng đầu thế giới, thì “Đek biết gì” là một kiểu nói tượng trưng. Có thể không biết gì thật về công nghệ mới, về cách làm ăn mua bán, thương thảo, nhưng tư duy khoa học vững chắc là nền tảng để dẫn lái và kiến tạo công trình FPT lớn mạnh như bây giờ.

Đây không phải là cuốn sách đầu tiên về văn hóa FPT, mà là cuốn đầu tiên về Văn hóa doanh nghiệp thông qua trường hợp điển hình là FPT Software (FSOFT), một trong các trụ cột quan trọng của tập đoàn FPT, đơn vị vừa mang về doanh thu xuất khẩu 1 tỷ đô năm 2023. Trong cuốn sách, bằng giọng văn hài hước, tưng tửng, tếu táo, thậm chí hơi “bựa” – vốn là “đặc sản FPT”, anh Nguyễn Thành Nam và nhóm tác giả tái hiện những “thước phim” FSOFT từ Zero, tức là từ khi chỉ có vài người sáng lập và chẳng có việc gì để làm, từ những ngày đứng ở bờ vực của sự hoài nghi chán nản, đến những chiến thắng đầu tiên, và tiếp tục những chiến thắng kế tiếp, rồi lại đến những ngày ở bờ vực của sự hoài nghi, khó khăn thua lỗ khắp bề, đến tiếp tục chiến thắng và tiếp tục vòng quay ấy; Từ vài chục ngàn đô đầu tiên và cảm giác lần đầu tiên được thu ngoại tệ, đến văn phòng FPT USA đầu tiên, và đến trụ sở - tòa nhà riêng khang trang của FSOFT khánh thành tại Đà Nẵng; Dòng chảy văn hóa Việt Nam chảy qua FPT, chảy qua FSOFT, chảy đến Mỹ, đến châu Âu, đến Nhật, hòa hợp và tiếp biến với dòng chảy bạn bè quốc tế, rồi chảy ngược trở về trên hàng ngàn người FSOFT, sau này là hàng chục hàng học sinh sinh viên của FE (FPT Education), đã tạo nên một dòng chảy văn hóa đặc biệt.

Mình có 3 đứa con học ở FPT, mình kể với mọi người như vầy: Bỏ qua các yếu tố về học thuật, điều lớn nhất mà mình rất hạnh phúc khi cho con đi học ở FPT, đó chính là sự tôn trọng chân thực mà môi trường Fschool dành cho các cháu. Các con mình được hưởng thụ sự tôn trọng chân thực, từ đó trở nên hoạt bát, tự nhiên, tự tin, từ đó tự học, tự rèn luyện, trở thành những đứa trẻ tươi vui, có chí hướng, có mục tiêu, thẳng thắn công bố mục tiêu của mình và luôn đạt được điều đó. Các con tự mình đạt được mà người mẹ không phải lo toan suy nghĩ gì cả. Mình nói với các anh lãnh đạo FPT là: Điều lớn nhất mà FPT làm được ở Fschool chính là khả năng nhất quán từ triết lý của tập đoàn đến văn hóa của các đơn vị thành viên, mà một trường THCS – THPT ở Đà Nẵng cũng thể hiện không khác gì tinh thần trong Đek biết gì cũng tiến.

Như lời giới thiệu của anh Thành Nam, Đek biết gì cũng tiến là cuốn sách về lịch sử FSOFT, được cấu trúc theo thuyết 4+1 giai đoạn hình thành văn hóa doanh nghiệp của Edgar Schein. Đối tượng của cuốn sách là những thế hệ cán bộ lãnh đạo kế tiếp của FSOFT, những “khởi nghiệp gia” tham vọng muốn biến công ty của mình thành một đế chế, và bất cứ ai quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp. Cấu trúc cuốn sách được chia thành 6 phần. Mỗi phần sẽ được chia thành các Chương, hay Chủ đề nhằm lý giải một hiện tượng dưới góc độ văn hóa. Trong mỗi chương, thường là sẽ có các nhân vật chính, và được cấu trúc thành 3 phần: những câu chuyện, phần bình luận và câu hỏi thảo luận (nếu có). Phần 1: Mò mẫm; Phần 2: Loạn chưởng; Phần 3: Định hình; Phần 4: Lột xác; Phần 5: Suy ngẫm; Phần cuối: TGB (Trương Gia Bình).

Nhưng mình nghĩ cuốn sách này cần mở rộng thêm đối tượng cho các bạn sinh viên dù học bất cứ ngành nào, và phụ huynh đang trong quá trình giúp con cái định hướng nghề nghiệp. Những câu chuyện đời lồng vào chuyện làm ăn, chuyện bạn bè lồng vào chuyện đối tác, chuyện đồng nghiệp lồng vào chuyện đồng đội; chuyện kinh doanh lồng vào chuyện quốc hiệu, quốc tính. Đây cũng là một cuốn tư liệu tham khảo quý cho bất kỳ người làm nghề nhân sự nào; và cũng là cuốn sách rất thú vị cho các anh chị em báo chí.

Nhiều bạn hỏi sao Anbooks làm cuốn sách này, vì thế mạnh của nhà An là sách giáo dục, tâm lý và nuôi dạy con cái? Thật lòng, mình nhận ra rất nhiều bài học giáo dục trong Đek biết gì cũng tiến. Đó là bài học về sự trần trụi: các anh dám thừa nhận dốt, si lầm, ấu trĩ, ngớ ngẩn; Các anh cũng thẳng thắn nhìn nhận và tự giễu cợt mình; và các anh có khả năng nhìn mình bằng một con mắt khác: Con mắt khách quan.

Các bài học từ văn hóa và giáo dục của FPT thông qua cuốn sách này, sẽ được viết ở post khác.

Trong phần trả lời của anh Thành Nam với một bạn dẫn chuyện trong clip, anh Nam nói rằng cái cô đó (là mình – bà đỡ nhà Anbooks) là một cô làm sách nghiệp dư, tức là cuốn nào cổ thích thì cổ mới làm, chứ không kiếm sống nhờ nghề làm sách, thì mình giao sách cho cổ cũng hơi lo lắng, nhưng không ngờ họ (team An) rất chuyên nghiệp, bài bản. Nhân đây, mình xin gửi lời cảm ơn đến đội ngũ biên tập của NXB Tổng Hợp TPHCM và chị Đinh Thủy – Nguyên Giám đốc NXB Tổng Hợp TPHCM, người chị đã ủng hộ mình rất nhiều, để cuốn sách được đến tay quý anh chị, quý bạn trong thời gian phù hợp. Anh Thành Nam nói đúng về tụi mình: Chỉ làm những cuốn thực sự thấy quý giá.

Cảm ơn anh Nguyễn Thành Nam, người mà có thể trở thành một nhà văn chính hiệu với giọng văn rất cuốn hút, hài hước, chân thật, dễ thương bên trên sự sắc sảo và hơi có xu hướng châm biếm. Cảm ơn anh đã tin tưởng giao cho Anbooks tác phẩm này, theo kiểu Đek biết gì cũng giao.

Ngô Phương Thảo - Sáng lập Anbooks.

Quay lại blog

Để lại bình luận

Xin lưu ý, bình luận cần được phê duyệt trước khi được đăng.