Dày và đậm
Dưới ảnh hưởng của mạng xã hội, bây giờ đa số mọi người thích quét (scan) chứ ko thích đọc (read). Lướt qua một cái, hoặc nhanh chóng thu nhận được gì đó hoặc next. Không có suy ngẫm đủ sâu vì tâm trí không dừng lại, đặt câu hỏi, tìm câu trả lời, rồi lại tiếp tục đặt câu hỏi...
Với những người thích đọc và ngẫm, thì cuốn sách này sẽ là món quà quý. Theo tôi, đây là cuốn sách đầu tiên viết về một tổ chức thời hiện đại ở Việt Nam theo phong cách mô tả dày (thick description, còn gọi là mô tả đậm).
Mô tả dày là khái niệm do nhà nhân học Clifford Geertz đưa ra trong cuốn The interpretation of Cultures, phát triển khái niệm cùng tên trước đó của nhà triết học Gilbert Ryle. Nói ngắn gọn, mô tả dày khác mô tả mỏng ở chỗ thay vì chỉ tả lại những gì ta quan sát thấy, thì ta còn đưa ra các phân tích về những gì nhìn thấy, trên cơ sở hiểu biết về lý thuyết và thực tế của đối tượng quan sát. Phân tích càng sâu thì mô tả càng dày. Phải nói, đến nay đa số sách về văn hóa VN (văn hóa nói chung chứ ko phải VH doanh nghiệp) là mô tả mỏng, kể cả được viết bởi cây đa cây đề.
Về góc độ thực tế, các phân tích trong sách này chắc chắn là không thể vượt qua vì được viết bởi người trong cuộc, lại là người đã nắm giữ mọi quyết định quan trọng nhất của tổ chức.
Về góc độ lý thuyết, chúng lại được dựa trên một lý thuyết về văn hóa của tổ chức mà cho đến nay được coi là hiệu quả nhất, phổ biến nhất - đó là lý thuyết của Edgar Schein. Bản thân việc dựa trên lý thuyết này cũng khiến các tác giả phải phân tích sâu dày, bởi vì mô hình 3 tầng của nó yêu cầu phải cố gắng xuyên thấu đến các ngầm định ở tầng 3. Chính vì các ngầm định này là vô thức, nên khi cố gắng lôi chúng lên tầng ý thức để hiểu, thì ta cũng chỉ có thể tiệm cận chứ không thể đạt đến một chân lý tuyệt đối, cũng như ta chỉ có thể hiểu được một con người ở mức gần đúng.
Các phân tích trong sách thực sự đã lấy đi nhiều chất xám của các tác giả, khác với các kết luận mì ăn liền khuôn sáo kiểu báo cáo thành tích "nhà sự sáng suốt của lãnh đạo, nhờ đoàn kết, nhờ nỗ lực ko mệt mỏi của toàn dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn và giành thắng lợi".
Nếu ví một tổ chức như một con người, thì sách này là một nỗ lực mô tả một ca tâm lý học, thuật lại các hành vi kèm theo các phân tích từ góc nhìn phân tâm học, tâm lý học phát triển, tâm lý học xã hội, và các lý thuyết tâm lý học liên quan khác. Những hiểu biết đó giúp mô tả, phân tích, dự báo và nghĩ ra những điều chỉnh khả thi và hữu ích. Chắc chắn ta không phải là người đó, nhưng đọc về ca này sẽ giúp ta hiểu bản thân hơn, từ đó có những hành động hiệu quả.
Phan Phương Đạt - Cố vấn Ban TGĐ FSOFT- Đồng tác giả Đek biết gì cũng tiến