Ai cũng biết, cũng khuyên: lãnh đạo phải sâu sát nhân viên để nắm vững tình hình.
Nhưng nói dễ, làm thì khó. Công ty chừng vài chục người, thậm chí 1-200 thì ok sâu sát, chào hỏi, thậm chí thăm viếng được nhà nhân viên. Nhưng nếu công ty lên đến hàng ngàn, hay thậm chí hàng chục ngàn nhân viên? Những nhà lãnh đạo “dân túy” vẫn có thể theo lối cũ, hỏi han thăm viếng. Nhưng thực tế giỏi lắm cũng chỉ tiếp xúc được độ 10% nhân viên ở gần mình, mà hội này thường là có tí chức quyền hoặc lâu năm, nên hay nhầm lẫn là “nhân dân cần lao” cũng có những suy nghĩ như vậy, có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Nên rốt cục thường dựa vào hệ thống báo cáo chính thống theo ngành dọc để nắm được tình hình. (Mà phàm đã bắt nhân viên làm báo cáo, thì như anh Hùng râu đã tiết lộ trong cuốn “Đek biết gì cũng tiến”, hãy chờ đợi là chúng sẽ báo cáo “láo” để đối phó.
Trong cuốn “Secrets of software success” của Detlev J. Hoch, có đề cập đến chủ đề làm thế nào để có thể "feel-cảm nhận" được một công ty lớn song song với hệ thống báo cáo và dẫn ví dụ một CEO của Mỹ sử dụng công nghệ, như email (và bây giờ là mạng xã hội) để có thể duy trì giao tiếp cá nhân với 4000 nhân viên. Chúng tôi cũng áp dụng một số kỹ thuật đó cho đến bây giờ.
Nhưng khi tập khí công với sư phụ Kao, được sư phụ biểu diễn cách chỉ qua tiếp xúc với một điểm mà có thể hiểu được toàn bộ cơ thể của đối thủ, để ra đòn cho đúng chỗ, tôi chợt có ý nghĩ là cũng có thể áp dụng kỹ thuật như vậy để “hiểu” được công ty. Tức là không cần giao tiếp quá nhiều, mà cần đúng chỗ.
Tại văn phòng Fsoft tại tòa nhà HITC những năm 2000, Phương – Hiệp quán, là một “điểm” như vậy. Một quán chè chén mì tôm úp, cờ ngoài bài trong… thuần chất vỉa hè Hà Nội, ngay trong một văn phòng hiện đại nhất lúc đó. Hóa ra là một điểm thu hút thông tin, phản ánh khá đầy đủ tâm trạng của công ty. Qua đó, nếu lãnh đạo biết cách khai thác, có thể thực sự sâu sát.
Bài phỏng vấn của Nguyễn Quốc Nguyên, một nhân viên phòng nhân sự 2 chị chủ quán vốn tên là Phương và Hiệp, được đăng trên báo Cucumber tháng 4/2005 thể hiện rõ tinh thần “sâu sát” đó. Lời dẫn viết “là chỗ ăn, uống, chém gió của rất nhiều anh em, nên có thể nói 2 chị Phương-Hiệp biết gần như tất cả mọi thứ về Fsoft, mà không hề được giao nhiệm vụ.” Trong bài phỏng vấn chưa đến 200 chữ, ta có thể có thêm khá nhiều thông tin về những nhân vật kỳ bí như Mai Anh, HanhHM, Hoàng Sơn và Hồng Sơn, một không gian Phương Hiệp ảo, anh em tầng 1 (lúc đó là Hitachi ODC) thường trốn lên đây relax, tai nạn cho 1 cô gái ở tầng 5 (đại diện thương mại của Đài Loan)…
Bài phỏng vấn lại được đăng bằng tiếng Anh. Không ngờ là hồi đó mình toàn cầu hóa thế.
(Bài viết đăng lại từ facebook của anh Nguyễn Thành Nam - Tác giả "Đek biết gì cũng tiến)