Chuyển đến thông tin sản phẩm
1 trong số 4

[PRE-ORDER] ESG QUAN TRỌNG NHƯNG KHÔNG ĐẶC BIỆT HƠN - PHẠM VIỆT ANH

[PRE-ORDER] ESG QUAN TRỌNG NHƯNG KHÔNG ĐẶC BIỆT HƠN - PHẠM VIỆT ANH

Giá thông thường 380.000 VND
Giá thông thường Giá ưu đãi 380.000 VND
Giảm giá Đã bán hết
Đã bao gồm thuế.

ESG QUAN TRỌNG NHƯNG KHÔNG ĐẶC BIỆT HƠN (PRE-ORDER)

“Theo thời gian, mọi thành tựu kinh doanh có thể bị phai mờ; nhưng điều tử tế sẽ còn lưu truyền mãi.”

Thời gian phát hành: Tháng 12/2024 (Dự kiến)

Giới thiệu sách:

“Phát triển bền vững đòi hỏi một tâm thế tỉnh thức.”

Tôn giáo bắt đầu bằng đức tin, nhưng khoa học bắt đầu bằng sự hoài nghi nghiêm túc. Cuốn sách này, giống như mọi câu trả lời trong cuộc sống, bắt đầu bằng việc đặt ra những câu hỏi đúng, như “Tính bền vững là gì?”, “ESG có bền vững không?”, hoặc “Chủ nghĩa bên liên quan có phải là một lời hứa hão?” giúp chúng ta khám phá sự thật đa chiều, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đưa ra những quyết định chiến lược quan trọng.

Những nghi vấn trên không phải thiếu cơ sở, bởi cơ chế hiện hữu để quản trị và thực hành ESG, xét cho cùng, phần lớn vẫn dựa trên hệ tư tưởng lấy lợi ích cổ đông làm trung tâm. Trái đất vẫn ấm lên và có khả năng sớm vượt ngưỡng mục tiêu giới hạn bởi Hiệp định Paris (COP21), thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của hơn 170 quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C. Tăng trưởng kinh tế có mức tương quan mạnh mẽ cùng mức tăng phát thải khí nhà kính. GDP vẫn là thước đo tăng trưởng chính, đo lường tất cả trừ những điều khiến cuộc sống trở nên đáng giá như sức khỏe, hòa bình và hạnh phúc.

Phát triển bền vững là thách thức vô cùng lớn của nhân loại. Phương pháp tiếp thị và kinh doanh truyền thống đã góp phần lớn vào việc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bằng cách khuyến khích tiêu thụ bừa bãi mà không quan tâm đến các thế hệ tương lai. Các hoạt động khai thác và sản xuất truyền thống đã dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá mức tài nguyên và ô nhiễm, cả hai đều làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.

Vì phát triển bền vững là một lĩnh vực liên ngành, cuốn sách này chỉ là một đóng góp nhỏ trong việc làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản nhưng gây tranh cãi, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có được sự hiểu biết đa chiều để thực hành hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Bằng phương pháp tổng hợp và phản biện, tác giả muốn cung cấp cho độc giả sự hiểu biết toàn diện về các chủ đề gây tranh cãi và đưa ra góc nhìn mới về quản lý tính bền vững của doanh nghiệp. Trái ngược với thời đại khan hiếm thông tin, khi việc tiếp thu kiến thức được coi trọng, thời đại hiện tại của thông tin phong phú, đa chiều, bao gồm cả thông tin sai lệch, đòi hỏi một quá trình tổng hợp và chắt lọc khoa học để có được thông tin hữu ích, có thể sử dụng được.

Sẽ không bao giờ có một giải pháp cuối cùng cho các nan đề quốc tế; do đó, trong khuôn khổ của cuốn sách nhỏ này, tác giả sẽ tập trung làm rõ một số khái niệm cơ bản, gây tranh cãi và nóng hổi nhất: sự khác biệt giữa quản trị bền vững và phát triển bền vững, tại sao kinh tế sinh thái và phát triển bền vững không thể tách rời, cũng như làm rõ một số vấn đề mâu thuẫn trong thực tế liên quan đến lý thuyết và thực hành ESG.

"Trong môi trường VUCA (Volatility, Uncertainty, Complexity and Ambiguity) đương đại, đặc trưng bởi sự phức tạp, mơ hồ, không chắc chắn và thay đổi liên tục, việc dựa vào các mô hình tĩnh không đảm bảo rằng các tổ chức có thể duy trì hoạt động và tăng trưởng. “Complexity” phải được hiểu theo nghĩa nó không đại diện cho mối quan hệ tuyến tính, trái ngược với định nghĩa của thuật ngữ “complicated” (phức tạp), thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm phải chịu sức ép từ sự giám sát của thị trường và quy định, cũng như áp lực phải đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong quá trình chuyển đổi phát triển bền vững của tổ chức. Thế hệ Lãnh đạo bền vững tương lai cần những tố chất đặc biệt để theo đuổi sứ mệnh kinh doanh, trong khi có thể phụng sự xã hội một cách khôn ngoan. Thực hành triết lý “cân bằng động” đòi hỏi người lãnh đạo không chỉ có kiến thức tổng quát về các vấn đề môi trường, xã hội và kinh doanh, mà còn năng lực văn hoá, nghệ thuật giao tiếp để có thể uyển chuyển chèo chống con thuyền doanh nghiệp dưới những áp lực đến từ mọi mặt xã hội. 

“Cân bằng động” trong quản trị bền vững mang hàm ý một tư duy không cứng nhắc, dựa trên bối cảnh kinh doanh và quan điểm nguồn lực nội tại (resource-based view) của doanh nghiệp mà uyển chuyển linh hoạt ưu tiên giữa các trọng yếu. Phương châm “cân bằng động” không thiên vị hay tối đa hóa lợi ích cho bất cứ trụ cột bền vững nào trong mọi thời điểm, mà đặt trọng tâm vào việc “tối ưu linh hoạt” các nguồn lực sẵn có, cộng với "mượn lực" bên ngoài một cách hiệu quả để đạt các mục tiêu chung."

Mục lục:

Chương 1: Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững

Chương 2: Giới hạn của tăng trưởng

Chương 3: Sự nguy hiểm của tăng trưởng theo cấp số nhân

Chương 4: Tính bền vững, Phát triển bền vững và ESG không là một

Chương 5: Lịch sử ESG

Chương 6: ESG: Nghịch lý của tính bền vững trong thực hành của doanh nghiệp

  • Lợi nhuận với doanh nghiệp như hơi thở cho cuộc sống
  • Đầu tư ESG không được thiết kế để cứu Hành tinh
  • Vượt trên tuân thủ
  • Rủi ro và cơ hội song hành
  • ESG quan trọng nhưng cũng không đặc biệt hơn
  • Đầu tư ESG là sản phẩm, Quản lý ESG là tiến trình
  • ESG và tính bền vững không là một
  • Thiếu nhất quán và không công bằng
  • Xếp hạng khác ESG
  • Đánh đổi hơn cân bằng
  • Tính bền vững và tính trách nhiệm của doanh nghiệp
  • Khi quản trị là tác nhân
  • Vận hành hóa
  • ESG đã hết thời?

Chương 7: Nội khử bền vững, Ngoại bù giả xanh

Chương 8: Tầm nhìn trước tiên

Chương 9: Tích hợp bền vững vào tầm nhìn: Việt Nam và thế giới

Chương 10: Cạm bẫy tăng trưởng, Năng lực động và Ý thức thương hiệu toàn cầu

Chương 11: Vốn xanh, Môi trường xanh

Chương 12: Thiên nhiên là mẹ, Công nghệ là cha

Chương 13: Kinh tế sinh thái và Phát triển bền vững

Chương 14: Thách thức đa chiều của bền vững

Chương 15: Mù khoáng sản, Nghèo năng lượng

Chương 16: Đề xuất

Chương cuối: Thay lời kết

Tham khảo thêm

  • Sáu Ranh giới Hành tinh an toàn đã bị vượt
  • Tám quốc gia net-zero (tự nhận)
  • Thế lưỡng nan của nhà quản trị
  • ESG-S: Cân bằng động
  • Từ Watergate đến Climategate

Tác giả:

Tác giả Phạm Việt Anh có 25 năm kinh nghiệm tư vấn chiến lược tăng trưởng và thương hiệu cho nhiều tổ chức. Từ 2010, ông chuyển trọng tâm sang  phát triển kinh doanh bền vững và hiện là Cố vấn bền vững, ESG-S cho các tổ chức liên quan.

Ông tốt nghiệp tiến sĩ quản trị kinh doanh (DBA) về quản lý bền vững và hiện tiếp tục hoàn thành nghiên cứu sinh (PhD) về phát triển bền vững và ngoại giao tại một định chế đại học theo Hiệp ước LHQ (U.N Treaty University). Ông từng là nhà sáng lập, chủ tịch Left Brain Connectors và giám đốc kinh doanh tại Cowan Việt Nam, cũng như làm việc cho các hãng tư vấn tiếp thị truyền thông danh tiếng quốc tế như Dentsu Inc và Bates Worldwide, phụ trách thương hiệu Honda và Heineken. Dấu ấn của ông đi cùng với nhiều dự án tiêu biểu như tái định vị thương hiệu Coopmart, nghiên cứu hành vi tổ chức và tái định vị Ngân hàng Đông Á, thiết kế nhãn hiệu cho Trà Dr. Thanh, Sữa tươi 100%, Vinamit và qui hoạch mới kiến trúc thương hiệu Nutifood...

Ngoài ra, ông cũng là cây bút cộng tác viết về phát triển bền vững, quản lý doanh nghiệp và tiếp thị cho các tạp chí uy tín như Nhịp Cầu Đầu Tư, Saigon Times, Bloomberg Business Week Vietnam và Nikkei Asia...

(Anbooks & Vietsuccess)

Anbooks

Xem toàn bộ chi tiết